DISEASE và ILLNESS KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?
>>Xem thêm: TRENDSETTER
Hai từ này theo từ điển Anh-Việt thì đều có nghĩa là bệnh tật.
Tra từ điển Anh-Anh thì cũng có nghĩa tương tự nhau.
Tuy nhiên theo định nghĩa trong chuyên ngành Y khoa thì hoàn toàn khác nhau.
- Bác sĩ, giáo sư khoa tâm lý tâm thần người Mỹ Leon Eisenberg đã nêu lên những điểm khác nhau của 2 khái niệm này trong bài viết “Disease and illness Distinctions between professional and popular ideas of sickness” năm 1977 (1). Bài báo này đã được trích dẫn hơn 2000 lần trong hơn 30 năm qua.
- Câu tóm lược đơn giản nhất để hiểu về 2 khái niệm này chính là “Patients suffer illnesses; doctors diagnose and treat diseases.” Có nghĩa là bệnh nhân chịu đựng ILLNESSES, còn bác sĩ thì chẩn đoán và điều trị DISEASES.
- Nói cách khác, DISEASE là một tình trạng hay trạng thái không bình thường của một bộ phận nào đó của cơ thể. Ví dụ— bệnh nhân đến gặp bác sĩ vì bị đau bụng, và bác sĩ chẩn đoán là bệnh nhân bị đau bụng do trào ngược dạ dày. Vậy thì trào ngược dạ dày là DISEASE.
- Bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ là cơn đau bụng này hành hạ bệnh nhân ghê gớm, ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng cảm thấy sôi bụng, bồn chồn, khó chịu. Có lúc lại còn buồn nôn. Bệnh nhân CẢM THẤY rất BUỒN PHIỀN và ĐAU KHỔ vì căn bệnh này. Vì nó mà phải nghỉ làm nhiều ngày. Vậy thì tất cả những trải nghiệm này của bệnh nhân chính là ILLNESS.
>>Xem thêm: Bring và Take phân biệt như thế nào nhỉ?
- Vì sao chúng ta cần hiểu về sự khác nhau của DISEASE và ILLNESS?
- Trước tiên hết là để bác sĩ nói riêng và nhân viên y tế nói chung có thể chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Nếu chỉ chăm chăm vào chữa bệnh lý (DISEASE) mà thiếu đi sự lắng nghe, an ủi, trấn an bệnh nhân thì ILLNESS của họ vẫn sẽ không được chữa lành. Đó là vì con người ta không chỉ có phần thể xác, mà còn có tâm lý, tâm hồn.
- Một bác sĩ giỏi là một bác sĩ không những có thể chẩn đoán kê đơn thuốc theo khoa học—điều này thì robot nếu có lập trình đúng chuẩn vẫn làm được; mà còn phải là một HEALER — một người chữa lành bệnh nhân một cách toàn diện (điều mà không Artificial Intelligence nào làm được).
- Hơn thế nữa, có nhiều trường hợp bệnh nhân đến gặp bác sĩ nói chuyện một hồi, đi về nhà cảm thấy khoẻ hơn nhiều, dù bác sĩ chẳng cho thuốc gì, vì bệnh lý chẳng có gì nghiêm trọng. Có bác kia đột nhiên cảm thấy hơi đau đầu vì tối qua thức khuya không ngủ. Bác đến bác sĩ vì lo sợ là mình bị ung thư não. Sau khi bác sĩ khám kỹ lưỡng và trấn an thì bác cảm thấy an tâm hơn và không còn lo sợ nữa mặc dù đầu vẫn còn hơi đau. Vậy là bác sĩ đã chữa khỏi ILLNESS cho bác ấy!
- Đặt trường hợp ngược lại, nếu bác sĩ qua loa nói bác là ôi không sao đâu, bác cứ về đi, thì bác ấy có khi lại càng lo lắng hoang mang hơn (ILLNESS nặng hơn). Rồi cơn đau đầu có khi còn nặng hơn!
- Chính vì thế, hiểu rõ DISEASE và ILLNESS là một điều các y bác sĩ cần ghi nhớ và thực hành để có thể phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất có thể.
(1) Eisenberg, L. (1977). Disease and illness: Distinctions between professional and popular ideas of sickness. Culture, Medicine and Psychiatry, 1, 9–23.
Author: Dr Christina Nguyen